Tổng kết tọa đàm: Ngôn ngữ học chức năng hệ thống trong mô tả ngôn ngữ theo hệ đối vị: Khảo sát trên hệ thống cụm động từ tiếng Việt (CoP Ngôn ngữ học ứng dụng)
Vào chiều ngày 02/04/2024, từ 14:00 đến 17:00, tọa đàm khoa học với chủ đề “Ngôn ngữ học chức năng hệ thống trong mô tả ngôn ngữ theo hệ đối vị: Khảo sát trên hệ thống cụm động từ tiếng Việt” đã được CoP Ngôn ngữ học ứng dụng tổ chức thành công dưới hình thức trực tuyến trên Zoom.
Tiếp nối thành công của tọa đàm 1 diễn ra ngày 12/03/2024 với chủ đề “Ngôn ngữ học chức năng hệ thống trong mô tả ngôn ngữ theo hệ đối vị: Một số vấn đề cụ thể”. CoP Ngôn ngữ học ứng dụng tổ chức tọa đàm 2: “Ngôn ngữ học chức năng hệ thống trong mô tả ngôn ngữ theo hệ đối vị: Khảo sát trên hệ thống cụm động từ tiếng Việt” với sự chủ trì của TS. Nguyễn Thị Minh Tâm và hỗ trợ thư ký từ ThS. Nguyễn Diệu Hồng. Báo cáo viên GS. Hoàng Văn Vân, đến từ Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Ngoại ngữ, Ngôn ngữ và Quốc tế học, đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu chuyên sâu và thú vị về cụm động từ tiếng Việt trong hệ thống ngôn ngữ học chức năng.
Tọa đàm ghi nhận sự tham dự của 11 thành viên, tất cả đều là các thành viên của CoP. Mặc dù số lượng tham dự khiêm tốn, buổi tọa đàm vẫn diễn ra trong không khí thảo luận sôi nổi với nhiều câu hỏi và ý kiến đóng góp ý nghĩa, làm rõ thêm các khía cạnh lý thuyết và thực tiễn của chủ đề.
GS. Hoàng Văn Vân nhắc lại một số vấn đề về khung lý thuyết Ngôn ngữ học chức năng hệ thống và ứng dụng thực tiễn của Ngôn ngữ học chức năng hệ thống trong việc mô tả các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới trong đó có tiếng Việt.
Tiếp đó GS. Hoàng Văn Vân chia sẻ ứng dụng thực tiễn bao gồm bốn mục: cách tác giả áp dụng các quan điểm của SFL để mô tả một khía cạnh của mệnh đề tiếng Việt – “Trải nghiệm của Mệnh đề tiếng Việt (EGVC)” (Mục V); cách sử dụng các quan điểm của SFL để mô tả một thành phần của mệnh đề tiếng Việt – “Nhóm Động từ trong tiếng Việt (VGV)” (Mục VI); một số nhận xét kết luận (Mục VII); và những vấn đề tác giả đã gặp phải, đang gặp phải, mà tác giả cho rằng các nhà ngữ pháp tiếng Việt cũng sẽ gặp phải khi mô tả ngữ pháp tiếng Việt từ góc độ hệ hình (Mục VIII).
Tọa đàm đem lại góc nhìn toàn diện và sâu sắc cho các nhà ngôn ngữ , học viên và nghiên cứu viên về khả năng áp dụng Ngôn ngữ học chức năng trong các dự án nghiên cứu đang thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện trong tương lai.
Xin chân thành cảm ơn báo cáo viên, ban tổ chức, và các thành viên đã tham gia, đóng góp để tạo nên thành công của tọa đàm này. Rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và tham gia của các học giả trong các sự kiện học thuật tiếp theo!