Hưởng ứng Ngày thế giới và Ngày toàn dân phòng chống ma túy (26/6)

Ngày 26/6 hàng năm là “Ngày thế giới phòng chống ma túy” và cũng là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” ở Việt Nam. Đây là dịp chúng ta nhìn nhận và nêu cao nhận thức của mọi người trong phòng, chống và đấu tranh đẩy lùi tệ nạn ma túy. Tội phạm và tệ nạn ma túy luôn là mối quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. 

Ma túy là một chất gây nghiện có tác hại vô cùng to lớn với con người. Nó đã trở thành một vấn nạn và hiểm họa chung của toàn nhân loại. Việc nghiện hút ma túy đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh đổ vỡ và bần cùng hóa. Có nhiều trường hợp người nghiện hút ma túy đánh đập vợ con, bất hiếu với cha mẹ, gây mâu thuẫn với người khác, thậm chí có các hành động trộm cắp, lừa đảo, giết người để thỏa mãn cơn nghiện. Tệ nạn ma túy cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hoạt động của xã hội.  Khi số lượng người nghiện ma túy ngày càng tăng, các chi phí cho phúc lợi xã hội cũng phải tăng theo để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, cai nghiện cho người nghiện ma túy… Đồng thời, ma túy còn tác động nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, làm gia tăng nhiều tệ nạn và các tội phạm về ma túy, đặc biệt đã gây khó khăn cho các lực lượng chức năng và trong công tác bảo vệ và ngăn ngừa ma túy. Không chỉ vậy, ma túy còn là một trong những nguyên nhân làm bùng nổ số lượng người nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS tạo nên nỗi lo lớn cho xã hội.

Số liệu từ Báo cáo Tình hình Ma túy Thế giới năm 2021 của UNODC đã chỉ rõ: Năm 2020 trên thế giới có 275 triệu sử dụng ma tuý, trong đó hơn 36 triệu người mắc các chứng rối loạn do sử dụng ma túy. Các vụ bắt giữ liên quan đến ma túy cũng đã tăng mạnh trong 10 năm qua, đặc biệt là trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương.

Chính bởi những hệ lụy khôn lường của ma túy, vào ngày 26/6/1988, Liên hợp quốc cùng với Ủy ban các tổ chức phi chính phủ về vấn đề phòng chống ma túy đã phối hợp với phòng thông tin Liên hợp quốc tổ chức buổi tuyên truyền về tác hại của ma túy và các hoạt động phòng chống ma túy. Và từ đó ngày 26/6 hàng năm đã được Liên hợp quốc lấy làm ngày phòng chống ma túy. Ngày thế giới phòng chống ma túy có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc đấu tranh phòng chống hiểm họa ma túy trên toàn thế giới. Vào ngày này hầu hết các quốc gia đều tổ chức phát động, tuyên truyền tác hại của ma túy, bài trừ ma túy và kêu gọi mọi người tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy.

Ngày 13/6/2001, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg, lấy tháng sáu hàng năm là “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và ngày 26/6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”. Mới đây nhất, vào ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 89/QĐ-TTg kiện toàn Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.Trong thời gian này, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố phát động toàn dân tham gia phòng, chống ma túy.

Điển hình như việc Bộ công an sẽ sẽ triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy, điều tra, triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch nghiệp vụ về đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy; Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở phối hợp với các cơ quan chuyên trách phòng chống ma túy, mại dâm tăng thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tham gia và góp phần chung tay vào việc hưởng ứng ngày phòng chống ma túy bằng cách tuyên truyền, phổ biến về hậu quả, tác hại của ma túy tới tất cả học sinh, sinh viên và phụ huynh.

Tóm lại, ngày thế giới phòng chống ma túy 26/6 là một ngày đáng để toàn thể người dân lưu tâm và nhắc nhở chúng ta rằng hành trình đấu tranh phòng chống ma túy, mại dâm vẫn còn đang tiếp diễn và chưa bao giờ là dễ dàng. Thành công trong phòng chống ma túy và ngăn chặn tiêu cực của nó không chỉ đến từ nỗ lực của những người chiến sĩ, từ các cơ quan chuyên trách mà còn đến từ trách nhiệm và ý thức của mỗi cá nhân.

“Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”.

Khánh Huyền/ULIS Media

Bài đăng gốc TẠI ĐÂY

Bài viết liên quan