Tổng kết tọa đàm: Ngôn ngữ học chức năng hệ thống trong mô tả ngôn ngữ theo hệ đối vị: Một số vấn đề cụ thể (CoP Ngôn ngữ học ứng dụng)
Cộng đồng chuyên môn – CoP Ngôn ngữ học ứng dụng đã tổ chức thành công tọa đàm “Ngôn ngữ học chức năng hệ thống trong mô tả ngôn ngữ theo hệ đối vị: Một số vấn đề cụ thể” vào ngày 12.03.2024 trực tuyến trên Zoom Meetings.
Ngày 12/03/2024, từ 14:00 đến 17:00, tọa đàm khoa học với chủ đề “Ngôn ngữ học chức năng hệ thống trong mô tả ngôn ngữ theo hệ đối vị: Một số vấn đề cụ thể” đã diễn ra thành công qua hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom.
Tọa đàm được chủ trì bởi TS. Nguyễn Thị Minh Tâm – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh, với sự hỗ trợ của ThS. Nguyễn Diệu Hồng trong vai trò thư ký. Báo cáo chính do GS. Hoàng Văn Vân từ Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Ngoại ngữ, Ngôn ngữ và Quốc tế học trình bày, đã mang đến những góc nhìn sâu sắc và cụ thể về ngôn ngữ học chức năng hệ thống trong ngữ cảnh nghiên cứu ngôn ngữ theo hệ đối vị.
Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của 25 người, trong đó có 20 thành viên CoP. Không khí trao đổi sôi nổi và các câu hỏi thảo luận chất lượng đã tạo nên một diễn đàn học thuật giàu ý nghĩa.
GS. Hoàng Văn Vân chia sẻ về khung lý thuyết Ngôn ngữ học chức năng hệ thống và ứng dụng thực tiễn của Ngôn ngữ học chức năng hệ thống trong việc mô tả các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới trong đó có tiếng Việt.
Tiếp đó GS. Hoàng Văn Vân mô tả một số khía cạnh của ngữ pháp tiếng Việt từ góc độ hệ hình, nhằm phục vụ cho mục đích giảng dạy, học tập và nghiên cứu, sử dụng Ngữ pháp Chức năng Hệ thống (Systemic Functional Linguistics – SFL) làm khung mô tả tham chiếu. Phần định hướng lý thuyết bao gồm bốn mục, tập trung vào lý do nghiên cứu (Mục I), quá trình tác giả tiếp cận với SFL (Mục II), cách hiểu về SFL (Mục III), và một số khái niệm cơ bản trong việc mô tả ngôn ngữ theo góc độ hệ hình (Mục IV).
Theo GS. Hoàng Văn Văn trên thực tế, khung lý thuyết này đã được ứng dụng để mô tả nhiều ngôn ngữ trên thế giới và cho thấy tính khả thi, đồng bộ và mạch lạc cao. Việc áp dụng lý thuyết này trong mô tả ngôn ngữ theo hệ đối vị tạo cơ sở khoa học cho các nghiên cứu sâu về mô tả ngữ pháp.
Tọa đàm đem lại góc nhìn toàn diện và sâu sắc cho các nhà ngôn ngữ , học viên và nghiên cứu viên về khả năng áp dụng Ngôn ngữ học chức năng trong các dự án nghiên cứu đang thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện trong tương lai.
Xin chân thành cảm ơn báo cáo viên, ban tổ chức và tất cả các thành viên đã góp phần tạo nên thành công của buổi tọa đàm. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành và ủng hộ trong các sự kiện sắp tới!