Tại sao nên chọn chương trình cử nhân Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia tại Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN?
Chương trình đào tạo (CTĐT) Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia (Transnational Cultural and Media Studies) nóng hổi ở trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN, tuyển sinh lần đầu vào năm học 2023-2024 (mã ngành 7220212QTD). Chương trình do Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh phụ trách, giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh, dành cho các bạn khá tiếng Anh và muốn theo đuổi chuyên môn về Văn hóa và truyền thông. Chương trình đánh dấu một bước phát triển mới của trường: tấm bằng sinh viên nhận được là bằng Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia. Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 50, dự kiến 25 chỉ tiêu xét theo kết quả thi THPT (tổ hợp xét tuyển D01, D78, D90 và D14), 15 chỉ tiêu dành cho kết quả thi Đánh giá Năng lực của ĐHQGHN, và 10 chỉ tiêu dành cho các phương án khác. Đặc biệt, do chính sách học phí dành cho chương trình mới, mức học phí chỉ là 1.5 triệu/tháng.
Hiện nay, Nhà trường chưa có thông báo nộp hồ sơ xét tuyển sớm, các em học sinh có thể chuẩn bị hồ sơ dựa trên thông tin năm 2022 ngay từ bây giờ và đợi có thông báo để nộp (trực tiếp hoặc qua bưu điện).
Các em dành thời gian để tìm hiểu về chương trình, đăng ký nhận tin về tư vấn tuyển sinh theo mẫu sau: tại đây
Tại sao nên chọn chương trình cử nhân Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội?
Với nhiều tâm huyết và nâng niu, chương trình mới mẻ, có cơ sở vững chắc, đường hướng rõ ràng, thiết kế chặt chẽ.
1. Là chương trình Văn hóa và truyền thông xuyên quốc gia (transnational cultural and media studies) đầu tiên ở Việt Nam với cơ sở học thuật là ngành nghiên cứu văn hóa và truyền thông của thế giới.
2. Phát triển từ kinh nghiệm 05 năm triển khai định hướng Quốc tế học, ngành Ngôn ngữ Anh và truyền thống hơn 65 năm nghiên cứu và giảng dạy văn hóa và ngôn ngữ tiếng nước ngoài ở trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN.
3. Xây dựng theo triết lý giáo dục khai phóng, hướng tới sự phát triển của con người nhân văn có bản lĩnh vững vàng, phù hợp với yêu cầu của những công việc đòi hỏi hiểu biết văn hóa xã hội và giao tiếp với con người.
4. Tiếp cận văn hóa theo nghĩa động, thiên về các vấn đề đương đại (các hiện tượng văn hóa và phương tiện truyền thông mới, cơ chế thị trường, phát triển bền vững), phân biệt với các chương trình văn hóa học thiên về đọc hiểu các biểu tượng truyền thống và phong tục tập quán.
5. Tiếp cận lịch sử theo góc nhìn phê bình và sáng tạo: Lịch sử là lịch sử của hiện tại, đem lại hiểu biết về những điều kiện khả thể của các hiện tượng xã hội và gợi mở khả năng sáng tạo văn hóa-truyền thông của cá nhân và cộng đồng.
6. Tập trung vào các quá trình xuyên quốc gia. Xuyên quốc gia không phải chỉ là đặc tính của những sản phẩm văn hóa và truyền thông, những vấn đề khu vực và thế giới, mà còn nằm trong chính sự kiến tạo đời sống cá nhân và cộng đồng ngay tại địa phương.
7. Tri thức liên ngành và chuyên sâu, có khả năng chỉ ra cách thức vận hành của xã hội và tác động thực tiễn tới cách nhìn nhận và hành xử của người học.
8. Tài liệu cập nhật, đa phương tiện và tinh tuyển.
9. Phương pháp học tập dựa trên hoạt động chân thực- những hoạt động có ý nghĩa ngay cả ở phạm vi ngoài lớp học, giúp người học kết nối với bản thân mình, với bạn cùng lớp và thầy cô giáo, với những người đang đi làm và với những vấn đề xã hội đáng quan tâm.
10. Sinh viên có cơ hội thực tập tại những cơ quan báo chí-truyền thông và phát triển.
Chương trình giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh & có cơ hội học thêm ngoại ngữ thứ 2.
11. Ngoài các môn chung dành cho toàn bộ sinh viên của trường được giảng dạy bằng tiếng Việt, các môn học khác được giảng dạy bằng tiếng Anh. Đây vẫn là thực hành truyền thống dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Anh của trường.
12. Những bạn đã khá tiếng Anh sẽ tiếp tục phát triển khả năng hiểu và sử dụng tiếng Anh, không bị cảm thấy đứt đoạn và hao hụt vốn tiếng Anh như khi theo học các chương trình giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Việt.
13. Trường có thế mạnh về các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, sinh viên có thể chọn học thêm ngoại ngữ thứ 2: Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn, hoặc Thái.
Giảng viên là những người có trình độ, tâm huyết và uy tín.
14. Chương trình được tạo lập và triển khai với sự lãnh đạo sát sao bởi những người có ước vọng về giáo dục, tỉ mỉ về chuyên môn, có tâm huyết và tầm nhìn.
15. Giảng viên đến từ nhiều đơn vị trong và ngoài trường, được tuyển chọn kỹ càng.
16. Giảng viên có kinh nghiệm học tập và làm việc ở môi trường quốc tế, xuyên quốc gia.
Học phí đặc biệt rẻ, thấp hơn mặt bằng chung do đây là chương trình đào tạo mới của một trường đại học công dẫn đầu Việt Nam.
17. Giảm áp lực tài chính cho người học.
18. Hãy so sánh với mức học phí của các chương trình cử nhân về văn hóa/truyền thông giảng dạy bằng tiếng Anh ở các trường đại học quốc tế: RMIT (Chương trình Truyền thông Chuyên nghiệp: 955.901.000 VNĐ) hay Fulbright (Giáo dục khai phóng- Học phí: 467.600.000 VNĐ và phí ở ký túc xá: 58.450.000 VNĐ)
Môi trường giáo dục trong lành, đầy đủ cơ sở vật chất.
19. Không có hiện tượng tiêu cực; sinh viên được lắng nghe.
20. 100% phòng học có điều hòa, máy chiếu, wifi.
21. Trường có nhiều CLB sinh viên, đáp ứng những sở thích và nhu cầu kết nối đa dạng.